Đi học về, tôi phải xuống chuồng ngựa, xách hai xô nước lớn từ hồ vào chuồng cho ngựa trong những ngày mùa đông, vì khí hậu lạnh giá thường làm đóng băng các máng nước. Tay tôi luôn đau buốt.
Tôi lại dọn dẹp toàn bộ chuồng ngựa, cùng con ngựa bự nhất gom phân chở ra đồng rải đều. Rồi tôi quay về cho mấy chục con ngựa ăn. Cuối ngày, tôi vào nhà nấu bữa tối. Bố mẹ thường trở về nhà muộn, khoảng lúc 20h – đôi khi tôi đã ở trên giường.
Tôi phải tự lập và học cách làm việc chăm chỉ từ khi còn nhỏ ở quê nhà Canada.
Tôi rất mong mùa hè, vì tôi ghét đi học. Hơn nữa, thời tiết mùa hè cũng dễ chịu hơn.
Nhưng vào mùa hè, bố mẹ thường bắt tôi và em trai làm một vườn rau. Không phải một vườn rau nhỏ dễ thương đâu. Khu vườn này khoảng một trăm mét nhân mười mét. Một khu vườn khổng lồ!
Nó lớn đến nỗi bố phải dùng ngựa để cày. Khi tôi và em trai thấy bố và con ngựa Bỉ cùng chiếc máy cày cũ bắt đầu đặt vết cắt sâu vào lòng đất, chúng tôi nhận ra mùa hè của mình thế là đã hết. Chúng tôi chưa bao giờ vui vẻ tình nguyện với công việc này.
Mẹ sau đó ra lệnh cho hai con trai làm cỏ khu vườn hầu như mỗi ngày mùa hè đẹp trời. Mỗi lần nhặt cỏ dại như vậy mất một giờ và rất đau lưng. Tôi không ưa chút nào, không ưa lao động trong những ngày hoàn toàn tốt lành để vào rừng khám phá những điều hay ho. Nhưng mẹ vẫn giữ nguyên yêu cầu và “nghiệm thu” tỉ mỉ, nghiêm khắc như một quân nhân.
Khi còn trẻ, ta bất bình với bố mẹ về nhiều thứ. Khám phá khu rừng với những con vật xinh đẹp mới là công việc chính của tôi, chứ không phải khu vườn khổng lồ với hàng triệu cây cỏ dại mà tôi cảm thấy chúng mọc nhiều lên từng giờ.
Đến ngày tôi mười tám tuổi, tôi ra đi, chuyển đến Ottawa và bắt đầu cuộc sống của riêng mình ở đấy. Người địa phương tôi có câu: “Hãy ra khỏi nhà khi bạn 18 tuổi”.
Tôi hồi tưởng về quá khứ này sau khi Ly – bạn tôi – hỏi sẽ làm gì trong lễ Vu Lan?
– “Nhưng Vu Lan là gì”?
– “Ở đây một trăm năm rồi mà không biết Vu Lan sao”?
Ly giải thích đấy là một ngày để bày tỏ lòng hiếu thảo. Tôi phải nhờ Ly dịch sang tiếng Anh là filial piety nhưng vẫn không hiểu nó có nghĩa là gì. Rồi Ly kể chuyện về ngài Mục Kiền Liên cùng hành trình vào địa ngục để giải cứu mẹ ông. Tôi dần đã hiểu.
Những người mẹ sinh con ra, hối hả rèn luyện để kịp tạo nên những đứa trẻ độc lập trước khi chúng 18 tuổi. Tôi nhận ra mình chưa bao giờ thực sự nghĩ về filial piety. Tôi chưa bao giờ thể hiện sự cảm ơn bố mẹ vì họ đã nỗ lực biến tôi thành một người đàn ông tốt. Có lẽ tôi nghĩ đó là chuyện đương nhiên.
Tôi kính trọng bố mẹ nhưng tôi chưa bao giờ được bố mẹ hay cộng đồng yêu cầu phải làm gì để bày tỏ điều đó. Tôi ngoan ngoãn làm vườn, chăm sóc lũ ngựa vì những yêu cầu của mẹ thường ngầm ý: “Làm đi, vì ta là mẹ của con, và ta đã bảo con làm”.
Bây giờ, bố mẹ giống những người bạn thân nhất của tôi hơn là giống một cặp bố mẹ. Chúng tôi nói chuyện hàng ngày vì chàng trai 18 tuổi ngày ấy đã trở về, sau khi đi rất xa.
Qua con mắt của một người nước ngoài, tôi thấy các bạn trẻ ở Việt Nam chắc sẽ khó chịu hơn tôi trong những năm tháng chờ “đủ lớn để đi xa”. Vì cha mẹ ở đây dạy họ nhiều thứ hơn, không chỉ chăm mảnh ruộng hay chăn bò – như tôi làm vườn và chăn ngựa – mà thậm chí còn nên kết hôn với ai, nên nghĩ gì…
Dù vậy, tôi thấy những điều rất tốt đẹp ở Việt Nam. Các bạn trẻ sau khi ra đi, luôn nghĩ đến việc trở về để hỗ trợ gia đình, trước khi nghĩ tới vun đắp cho cuộc sống riêng. Họ có ý thức “Vu Lan báo hiếu” trong từng nỗ lực mỗi ngày.
Khi còn trẻ, tôi không biết tại sao mẹ và bố lại bắt tôi vào vườn. Tôi không hiểu khu vườn và lũ ngựa đã trở thành công cụ giúp họ tạo dựng tôi thành một người đàn ông tốt. Bây giờ nhớ lại tôi vẫn hình dung ra khu bếp. Những trái cà chua hữu cơ Canada rất ngon, to bằng bàn tay, trông giống cà chua Đà Lạt, đặt trên bàn bếp, làm cho căn phòng trở nên rực rỡ và sống động lên. Bạn sẽ thấy chúng ngon hơn nếu biết rằng, hầu hết thời gian trong năm ở Canada, chúng không thể phát triển nếu không được chăm sóc tốt, vì cái lạnh buốt giá.
Tôi thấy mình giờ như trái cà chua còn bố mẹ tôi, giờ chỉ việc ngồi ngắm và “thưởng thức” thành quả. Tôi bây giờ cũng tự do rực rỡ hoặc lăn đi đâu tùy thích, vì mẹ không còn kiểu “làm đi, vì ta là mẹ của con” nữa.
Tôi may mắn được đeo bông hồng đỏ. Tôi vẫn còn có thể cảm ơn bố mẹ. Nhưng nhờ kịp hiểu về lễ Vu Lan, một mai họ đi xa, nếu có thể đi đến bất cứ đâu để đưa họ trở về nhà, tôi cũng chấp nhận.
Jesse Peterson (https://vnexpress.net/tro-ve-voi-me-4498533.html)