Vào dịp Ngày của Mẹ năm nay, tôi về quê thăm má. Mợ Bảy, người bà con và cũng là hàng xóm sang chơi. Nhắc tới chuyện bệnh tật, mợ không giấu được vẻ bàng hoàng khi kể lại cái đận con gái mắc ung thư.

Ngày nhận tin báo chị Hiền bị ung thư tuyến giáp, mợ Bảy run không đứng nổi, bỏ hết công việc chạy vào Bình Dương lo cho con.

Chị Hiền là con gái đầu của cậu mợ. Học hết lớp 9, như bao thanh niên ở quê thời đó, chị theo người quen vào Sài Gòn tìm việc. Chị làm công nhân may, lấy chồng rồi lần lượt sinh hai đứa con. Mấy lần chị sinh là mấy lần mợ lặn lội từ quê nhà Quảng Nam vào Dĩ An chăm sóc mấy tháng liền. Con trai đầu của anh chị được mợ Bảy chăm từ năm hai tuổi cho đến khi học xong mẫu giáo.

Mợ Bảy có lẽ là mẫu người suốt đời lo cho con cháu, khá điển hình cho những người bà, người mẹ ở quê tôi. Con cái đi làm ăn xa, họ chăm mảnh vườn, đám ruộng, có thu hoạch gì thì gom góp gửi xe đường dài vào cho con. “Tội nghiệp, vợ chồng hắn làm công nhân, có quà quê, gạo, rau củ nhà trồng như ri cũng đỡ”, mỗi lần gửi gì đó cho con cái, mợ hay nói như vậy với má tôi.

Trở lại với lúc chị Hiền bệnh. Mợ tất tả vào. Biết con ung thư, dù rất lo lắng, mợ không thể hiện trước mặt chị. Buồn quá, thi thoảng mợ gọi về tâm sự với má tôi. Tôi nhớ lần lên thăm ở Bệnh viện Ung Bướu TP HCM khi chị vừa mổ xong, mợ rưng rưng nói: “May quá, ca mổ thành công”. Mợ kéo tôi ra hành lang chia sẻ đủ thứ, bảo rằng, ung thư tuyến giáp là nhẹ nhất trong số các loại ung thư và chị Hiền phát hiện sớm nên mổ thành công. Mợ khóc. Đôi mắt thâm quầng ánh lên niềm hy vọng con mình được sống.

Thế rồi chị cũng vượt qua. Tết rồi về quê, chị ghé xuống nhà tôi thắp nhang, chúc Tết. Tôi hỏi bệnh tình, “vẫn còn uống thuốc nhưng đỡ nhiều rồi em”. Chị vui vẻ nói, nếu không có má với gia đình ủng hộ tinh thần, chắc khó vượt qua được. “Con đừng lo, có má đây rồi”. Chị kể, lúc đó mợ Bảy đã nói như vậy, y như mợ là chuyên gia trong lĩnh vực ung bướu vậy. Tôi thì hiểu, điểm tựa tinh thần cho một người vượt qua bệnh tật, khó khăn quan trọng không thua kém thuốc men.

Đòn bẩy tình thương, sự “bảo kê” tinh thần của người mẹ đã giúp người con nhấc mình khỏi vũng bùn của bệnh tật, lo lắng, sợ hãi. Tinh thần tốt, việc thích ứng với trị liệu, thuốc men sẽ tốt hơn.

Không sao đâu, có má đây rồi. Tôi từng đọc nhiều về những tình huống tương tự trên sách, báo, mạng xã hội. Một lời nói khích lệ của mẹ có thể làm xanh tốt cõi lòng đang héo úa của con. Một sự yểm trợ nhẹ nhàng, hợp lý, hợp thời của má có thể giúp con lướt qua được chông chênh.

Yêu thương con là bản năng của mẹ. Nhưng để yêu thương đúng, mẹ cũng phải học cách thương con. Nhiều năm trước, tôi từng nghe thiền sư Nhất Hạnh nói, thương mà không hiểu sẽ hại con. Lâu nay, nhiều người vẫn ngộ nhận rằng chỉ cần thương con là đủ, rồi bắt con phải thế này, thế nọ, bảo bọc con mọi lẽ. Đôi khi điều đó làm con cái bị tê liệt khả năng độc lập, tự chủ. Với quy luật sanh, già, bệnh, chết, và vô thường, ai cũng phải đi qua cửa tử. Và đôi khi bất ngờ, khó đoán. Do vậy, nếu làm thay con, quyết định thay con, không để cho con có bất kỳ trải nghiệm nào, kể cả khổ đau, thất bại thì sau này người con ấy sẽ yếu đuối, lệ thuộc.

Ngày của Mẹ, thế giới sẽ tụng ca tình mẹ, bày tỏ lòng biết ơn người sinh, dưỡng. Tôi nghĩ đây còn là dịp để ngẫm nghĩ về việc xuất hiện đúng lúc con cần, nói những điều tích cực để con được phấn chấn, và đôi khi còn là mạnh dạn, dám để con đau, khổ, thất bại để học bài học cuộc đời mình.

Thực sự, chỉ khi nào con cái có thể độc lập, tự chủ, tự do trong cuộc đời đầy giông bão và nhiều cám dỗ ngọt ngào này thì đó mới là lúc người mẹ tự tin về việc mình đã truyền trao gia tài quý nhất cho con.

Gia tài đó chính là bản lĩnh, sức mạnh, khả năng để đứng dậy trong những lúc đứng trước bờ vực đời mình.

Lưu Đình Long (https://vnexpress.net/gia-tai-cua-me-4745725.html)